Tuổi trẻ là “cha đẻ” phong trào
Những ngày Tết dương lịch 2013, tuổi trẻ LLVT Quân khu 5 trích 140 triệu đồng khởi công xây dựng hai nhà tình nghĩa tặng gia đình ông A Bôn ở Làng Kram (Rơ Kơi, Sa Thầy, Kon Tum) và gia đình đồng chí Nguyễn Công, Trợ lý chính trị Ban CHQS huyện Phước Sơn (Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam). Số tiền đơn vị ủng hộ hai gia đình trên không quá lớn nhưng đặc biệt ở chỗ: Đây là thành quả từ việc tự nguyện đóng góp của cán bộ, đoàn viên trong đơn vị thông qua phong trào “Nuôi heo đất”. Trung tá Lê Việt Thắng, Trưởng ban Thanh niên Quân khu 5 cho biết:
- Với tinh thần tự nguyện, mỗi người mỗi ngày đóng góp một ít tiền để giúp đỡ người nghèo khó. Việc làm tuy nhỏ nhưng ý nghĩa xã hội rất lớn. Bởi qua đó, mỗi người được rèn luyện đức tính tiết kiệm, được bồi đắp tình yêu thương con người.
Giọng hào hứng, anh Thắng tỏ rõ sự phấn khởi trước kết quả đó, nhưng vui hơn là vì “cha đẻ” của phong trào trên chính là cán bộ đoàn ở cơ sở.
Phong trào “Nuôi heo đất” là kết quả trí tuệ tuổi trẻ Quân khu 5, nhằm hiến kế thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị. Ở Sư đoàn 315, phong trào bắt đầu từ ý tưởng của Thượng úy Lê Tấn Sanh, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 143). Đầu năm 2011, trên cương vị trợ lý thanh niên Sư đoàn 315, Sanh đã rất trăn trở, tự đặt cho mình trách nhiệm phải nghĩ ra một phần việc thiết thực, sát với thực tiễn đơn vị nhằm huy động tuổi trẻ thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ.
- Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi nhận định: Tuổi trẻ Quân khu đã có sẵn phẩm chất thực hành tiết kiệm, lại hết lòng yêu thương nhân dân nên chắc chắn ai cũng sẽ ủng hộ quan điểm góp sức giúp người khó. Thế nhưng điều kiện kinh tế của bộ đội mình còn nhiều khó khăn, không thể cùng lúc ủng hộ được ngay một khoản tiền lớn mà phải thực hiện theo kiểu “tích tiểu thành đại”. Nghĩ vậy, tôi đề xuất ý tưởng “Nuôi heo đất” – Sanh nhớ lại.
Sơ kết phong trào “Nuôi heo đất” của tuổi trẻ Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi. |
Phong trào xuất phát từ ý tưởng của cán bộ đoàn, là “đứa con tinh thần” của tổ chức đoàn; đại diện cho trí tuệ, công sức của tuổi trẻ; phù hợp với điều kiện và tâm lý của đoàn viên, thanh niên, nên có sức lan tỏa mạnh mẽ. Ở Sư đoàn 315, xuất phát từ ý tưởng của Thượng úy Lê Tấn Sanh, làm điểm tại Chi đoàn 10 (Liên chi đoàn 3, Đoàn cơ sở Trung đoàn 143), sau đó chưa đầy một tháng, phong trào nhanh chóng lan ra 30 chi đoàn và 8 tổ chức đoàn cơ sở trực thuộc Sư đoàn. Tiếp đó, phong trào phát triển đến 100% các tổ chức quần chúng trong đơn vị.
Cũng với phương thức phát triển theo cấp số nhân như vậy, phong trào “Nuôi heo đất” đã phát triển mạnh mẽ ở mọi tổ chức đoàn. Đến nay, 100% tổ chức đoàn trong LLVT Quân khu 5 đã và đang duy trì hiệu quả hoạt động này. Thượng tá Bùi Bá Tuân, Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi nhận định:
- Phong trào xuất phát từ thực tiễn cơ sở, là trí tuệ của tuổi trẻ thì tự nó sẽ thu hút cán bộ, đoàn viên tham gia. Đó cũng là căn cứ giúp chúng ta lật ngược lại vấn đề: Những phong trào triển khai từ trên xuống, cần phải cẩn trọng thực hiện thí nghiệm, thí điểm. Khi thực tiễn cơ sở không “chấp thuận” thì không nên áp đặt, gán ghép triển khai thực hiện. Đó cũng là lý do giải thích vì sao một số phong trào hiện nay vẫn còn nặng hình thức, hiệu quả thấp.
Tổ chức đoàn phải là “người chủ trì”
Nghiên cứu kinh nghiệm “nuôi lớn” phong trào “Nuôi heo đất” của tuổi trẻ LLVT Quân khu 5 cho thấy: Khi có ý tưởng, tổ chức đoàn báo cáo với cấp ủy, chỉ huy xin ý kiến chỉ đạo. Cấp trên đồng ý, định hướng những phần việc trọng tâm, đặt ra yêu cầu cần thiết của phong trào rồi “trao quyền” để tuổi trẻ thực hiện. Anh Tuân giải thích:
- Tâm lý của một số lãnh đạo là sợ tuổi trẻ không cáng đáng được những phong trào trọng tâm nên thường xắn tay vào việc. Tuy vậy, những chỉ đạo “quá chặt chẽ” của thủ trưởng các cấp, vô hình trung biến phong trào của tuổi trẻ thành hoạt động thi đua của đơn vị. Vì lẽ đó, tuổi trẻ sẽ không thật háo hức tham gia phong trào.
Với tư duy như vậy, mọi phần việc liên quan đến xác định mục tiêu, yêu cầu, cách thức, phương pháp triển khai duy trì phong trào “Nuôi heo đất” ở Quân khu 5 đều “một tay” do tổ chức đoàn thực hiện. Cấp ủy, chỉ huy các cấp không “không làm thay”, không “bao cấp”. Nhờ đó, tuổi trẻ rất hăng say, nhiệt tình với phong trào. Tổ chức đoàn cũng “tự thân” triển khai nhiều biện pháp nhằm phát huy sức mạnh tổng lực của các cấp. Ví dụ, việc sử dụng số tiền tiết kiệm từ “Nuôi heo đất” được phân chia theo tỷ lệ: Ban Thanh niên Quân khu giữ lại 60% so với tổng số tiền thu được phục vụ các hoạt động có ý nghĩa xã hội rộng lớn; tổ chức đoàn cấp dưới giữ 40% để tổ chức thăm, tặng quà các đối tượng chính sách trên địa bàn đóng quân.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên cương vị chủ trì, tổ chức đoàn đã biết phát huy trí tuệ, trách nhiệm của mọi đoàn viên, thanh niên nhằm phát triển phong trào. Nhiều ý tưởng mới được đề xuất nhằm đổi mới cách thức phát động phong trào, phương pháp tham gia quyên góp, ủng hộ; đa dạng hóa hình thức giúp đỡ các đối tượng. Ví như, Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi giúp đồng bào H’re ở các huyện miền núi vươn lên xóa đói giảm nghèo; Bộ CHQS TP Đà Nẵng hỗ trợ ngư dân nghèo mua lưới; tuổi trẻ Sư đoàn 2, Sư đoàn 315 gửi quà tặng đồng đội nơi biên cương hải đảo; mua xe đạp, trao sổ tiết kiệm tặng học sinh nghèo…
- Nói chung, phải làm cho mọi hoạt động của phong trào “Nuôi heo đất” mang màu sắc tuổi trẻ, thể hiện tính năng động, sáng tạo, vui nhộn trong quá trình tổ chức… Có vậy, tuổi trẻ mới háo hức, tự nguyện tham gia; đồng thời, phong trào mới tự nó trở thành “môi trường” tốt để mỗi người học tập, làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ hằng ngày, hằng giờ – Đồng chí Trưởng ban Thanh niên Quân khu 5 khẳng định.
Bài và ảnh: TẤN TUÂN
tui dung laptop shoptainha
Nguồn: www.qdnd.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét