Thuộc lớp nhà văn nghệ sĩ thành danh sau 1975, tên tuổi và tác phẩm của Lê Thị Kim từ lâu đã được nhiều bạn đọc yêu thơ, nhất là những người đang yêu ngưỡng mộ. Ai có chú ý đến âm nhạc đều biết ca khúc "Đừng nhìn em như thế", với những câu: "Đừng nhìn em như thế/ Cháy lòng em còn gì/ Sự nồng nàn của bể/ Cuốn mất hồn em đi/ Đừng nhìn em như thế/ Khắc giờ thành thiên thu/ Mắc nợ đời dâu bể/ Mắc nợ đời thơ si". Đây là thơ của Lê Thị Kim, trích trong tập "Đóa quỳ hư ảo" (Nhà xuất bản Trẻ, 1990), do nhạc sĩ Trương Tuyết Mai chuyển thành ca khúc.
Nhà thơ Lê Thị Kim nồng nàn với tình yêu như thế, cháy lòng với thi ca như thế, đam mê với hư ảo như thế, lại rất nặng lòng giúp đỡ bạn bè hoạn nạn trong đời thực. Chị đã giúp đỡ nhà thơ N.Đ số tiền rất lớn trong việc điều trị bệnh tim, hỗ trợ thường xuyên cho con trai của vợ chồng nhà báo H.L - N.Q bị bệnh tâm thần phân liệt… Chủ nhật vừa rồi (11/11), đang bận bịu chuẩn bị cho một chuyến đi, nhưng nghe tin bạn văn Nguyễn Hòa, người thực hiện website vanchuongviet.org (không phải nhà lý luận phê bình văn học Nguyễn Hòa hiện công tác tại Báo Nhân dân) bị tai biến, bệnh tình trầm trọng, chị lại gọi điện "bắt" hai nhà thơ Trần Hữu Dũng, Vũ Trọng Quang ngồi chờ ở quán cà phê để chuyển giúp bằng được cho một số tiền. Rất nhiều anh em văn nghệ sĩ khác đã từng được chị giúp, nhưng lần nào chị cũng từ chối nêu tên. Với chị, đó là tấm lòng, là chút nghĩa cử sẻ chia bên lề văn chương, với bạn bè cầm bút, dù quen hay lạ.
Thời thực dụng, thơ phú rẻ như bèo, nhiều nhà thơ gom góp cả đời - cả sáng tác lẫn tiền bạc - mới in được một tập thơ, in xong lại chẳng biết bán cho ai. Chẳng biết lạ hay quen, những lúc như thế Lê Thị Kim lại xuất hiện chúc vui. Có khi chị mua một cuốn, có khi mua 50 cuốn, thay tác giả đi tặng bạn bè văn nghệ, để lại khi ít thì một triệu, lúc nhiều thì dăm ba triệu đồng. Không nhiều, chừng đó cũng đủ cho thi hữu ấm lòng, vừa được chia sẻ khó khăn, lại vừa có cơ hội đưa đứa con tinh thần của mình đến được với bạn bè yêu văn chương chữ nghĩa. Hiện tại Lê Thị Kim vừa có mặt trong ban giám khảo cuộc thi "Thơ Áo Trắng" lại vừa tài trợ chính cho giải "Thơ nữ trẻ".
Từ trái qua: Nhà thơ Lê Thị Kim, nhà thơ Lâm Xuân Thi, tác giả Nguyễn Tiến Toàn và tác giả Phạm Hồng Danh. |
Nồng nàn với thơ, rộng mở với đời nhưng nhà thơ Lê Thị Kim cũng khá thành công trong việc… kiếm tiền. Chị hiện đang kinh doanh 3 khách sạn lớn là Tân Ngọc Long, Hoàng Kim, Gold Lion. Khách sạn sang trọng nhưng giá vừa phải; dĩ nhiên bạn bè văn nghệ đến thuê sẽ có giá ưu đãi. Tuy bận rộn với kinh doanh, với văn chương, nhưng Lê Thị Kim còn đến với hội họa. Tranh của chị đã từng triển lãm trong và ngoài nước, đã bán được ngoài mong đợi. Mỗi khi bán được tranh, Lê Thị Kim đều rủ rê bạn bè thù tạc lai rai. Hiện Lê Thị Kim là Chủ tịch Câu lạc bộ Họa sĩ nữ Ngân Hà.
Nhà thơ Lâm Xuân Thi, "người ở lại bên này phòng cách ly" thì báo chí đã nói đến khá nhiều ở cả hai vai trò: Ông chủ nhãn hiệu xe đạp nổi tiếng Martin 107 và nhà từ thiện nhiệt tình. Thơ Lâm Xuân Thi có những câu đằm thắm dễ thương: "Thiên thần lớn sinh ra thiên thần nhỏ/ Ở nhà anh sao cũng giống thiên đường/ Chỉ cần thêm một bông hoa vừa nở/ Là mùa nào cũng giống mùa xuân…" (trích trong tập thơ "Nguyên Đán tình yêu"). Nếu không kinh doanh mà chuyên tâm về thơ, biết đâu Lâm Xuân Thi sẽ trở thành nhà thơ có vị trí. Anh đã từng đoạt giải Thơ hay Báo Văn nghệ Tp HCM năm 1998. Nhưng như thế thì đời không thể có một trung tâm xe đạp lớn, và quan trọng hơn sẽ không có một Mạnh Thường Quân cho các em học sinh nghèo, cho các cuộc tài trợ thi thơ báo Mực Tím, Áo Trắng hay mua tác phẩm hội họa hỗ trợ từ thiện.
Năm 2009 Lâm Xuân Thi lập "Quỹ tình thơ" cùng với hai nhà thơ Hồ Thi Ca và Phan Hoàng, với sự cố vấn của nhà thơ Chim Trắng để hỗ trợ cho anh chị văn nghệ khó khăn có tác phẩm đầu tay chất lượng nhưng không có điều kiện công bố tác phẩm. Anh tài trợ mà không cần đánh bóng mình. Mới đây, anh đã bỏ tiền cho in di cảo thơ "Lời chào ngọn gió" của cố nhà thơ Chim Trắng. Theo ước nguyện của nhà thơ đã khuất, nhà thơ Ý Nhi đã giao cho Lâm Xuân Thi in, phát hành. In xong phát hành, anh lo toàn bộ chi phí mời thân hữu đến dự ra mắt thơ tại văn phòng Xe đạp Martin 107.
Giới văn nghệ Sài Gòn còn có một Mạnh Thường Quân khác tên là Phạm Hồng Danh. Anh là giảng viên môn toán Đại học Kinh tế Tp HCM, giám đốc Trung tâm Luyện thi Vĩnh Viễn. Lạc bước sang văn nghệ, Phạm Hồng Danh cũng có những câu thơ da diết: "Cắn răng dứt một mối tình/ Nhiều năm sau biết lòng mình còn đau", hay "Dìu nhau vào cuộc phong ba/ Tóc xanh ngày nọ phôi pha bao giờ/ Người vì ta hết ngây thơ/ Ta long đong giữa hai bờ tử sinh".
Khi làm thơ, không biết có lao vào vực thẳm không, không biết có lao vào hai bờ tử sinh không. Hay là phải trốn chạy, mà trở về thực tại, phải mưu sinh nữa chứ. Trở về, trở về, Phạm Hồng Danh phải tạm ngăn cái "hứng" thi ca của mình mà quay về với một tâm thế: giảng viên môn toán hiện thực khô khan đối lập với lãng mạn ảo ảnh vô thường. Phạm Hồng Danh có tập truyện ngắn và tùy bút "Tuyệt vọng & bất tử", in năm 1999 đã được tái bản nhiều lần. Tên sách của anh làm nhiều người nhớ đến lời cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: "Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng, để thấy tuyệt vọng đẹp như một bông hoa".
Trung tâm Luyện thi Vĩnh Viễn mà Danh làm giám đốc là một trung tâm luyện thi đại học lớn của cả nước; không phải chỉ dạy luyện thi sau kỳ thi phổ thông mà bồi dưỡng kiến thức đại học thường xuyên trong năm. Trung tâm này đã tài trợ và tiếp tục tài trợ các cuộc thi Bút Mới, do Báo Tuổi trẻ phát động, được tổ chức hai năm một lần. Gần đây, trung tâm này lại tài trợ cho chương trình trao học bổng cho học sinh nghèo và hiếu học ở các tỉnh miền Tây do hai nhà văn Đoàn Thạch Biền và Nguyễn Đông Thức đề xướng và tổ chức. Thượng tuần tháng 11/2012, triển lãm tranh chủ đề "Ngày sinh của Ngựa" của nhà thơ Bùi Chí Vinh, tên nhà tài trợ cũng là Trung tâm Vĩnh Viễn.
Những người nói trên, dẫu sao văn chương thi phú cũng đã khá quen thuộc với độc giả. Riêng cái tên Nguyễn Tiến Toàn thì vẫn còn rất mới dù với giới văn nghệ thành phố, ông đã trở nên quen thuộc từ lâu. Anh em trong giới văn nghệ gọi ông là "chiếc xe lăn mang niềm hy vọng".
Ông Nguyễn Tiến Toàn là hội viên Hội Nhà văn Tp HCM từ năm 2008, có nhiều bạn bè trong giới cầm bút như: nhà thơ Thu Bồn, nhà thơ Bùi Chí Vinh, nhà thơ Trần Hữu Dũng… Thông qua bạn bè, lúc công khai, lúc ẩn danh, ông đã tài trợ giúp đỡ nhiều bạn văn nghệ. Trong buổi triển lãm tranh của nhà thơ Bùi Chí Vinh, ông là người mở hàng mua tranh của nhà thơ này, sau đó thì đến diễn viên Hiền Mai.
Ông là Giám đốc Xí nghiệp Xe lăn - lắc tay Kiến Tường. Khởi nghiệp sau 1975, ông đi lên từ phế liệu, qua bao bất trắc mới được cơ ngơi như ngày hôm nay. Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục về lĩnh vực sản xuất xe lăn đầu tiên ở Việt Nam là của ông. Hàng chục năm nay ông đã tham gia công tác từ thiện một cách tích cực. Bắt đầu làm từ thiện, ông tặng nhiều xe lăn cho quê hương ông ở Phú Yên. Nối dài việc ân nghĩa vượt ngoài biên giới, ông còn gửi tặng xe lăn cho cả thương phế binh trong chiến tranh vùng Vịnh. Hỏi ông đã tặng bao nhiêu xe lăn rồi, ông trả lời: "Tặng rồi không dám thống kê, nếu thống kê sẽ không dám tặng".
Xuất thân khác nhau, công việc khác nhau, nhưng với đời, họ đều là những Mạnh Thường Quân hào sảng. Với thi ca, họ say mê và sống hết với những ân tình…
tai game dien thoaiconggameviet
my pham the face shopshoptainha
Phim 49 ngay
La la i do
Xem phim La la i do
Nguồn: vnca.cand.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét