Đường lối của Đảng nhưng cũng là mệnh lệnh từ trong mỗi trái tim người thầy thuốc để từng công việc cụ thể trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân phải trở thành thước đo phẩm giá của cả ngành y tế.
Những năm qua, trước những khó khăn và thách thức, đội ngũ thầy thuốc Việt Nam đã âm thầm và bền bỉ vượt lên trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân khi mà công việc thầy thuốc là việc “đức” được đặt trong bối cảnh “cơ chế thị trường” rất sòng phẳng và lạnh lùng.Thế nhưng sự hy sinh thầm lặng đó đã được trả lại bằng kết quả bước đầu thật đáng tự hào.
Minh chứng rõ nhất là tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng lên đáng kể, đạt 73 tuổi. Chúng ta đã tiến đến gần “Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ” đối với chỉ tiêu tỷ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi, dưới 1 tuổi, tỷ số tử vong mẹ giảm mạnh từ những năm 1990. Khắp cả nước, một mạng lưới y tế dự phòng rộng khắp từ Trung ương tới thôn, bản. 100% số xã và 90% số thôn bản đã có nhân viên y tế hoạt động, trên 80% số xã có bác sĩ hoạt động, tỷ lệ xã đạt Chuẩn quốc gia về y tế ước đạt 80%. Những “trận địa” y tế với những “chiến sĩ áo trắng” như thế đã “đánh giặc từ xa” theo lời dạy của Bác “Phòng bệnh hơn chữa bệnh” đã không để dịch lớn xảy ra và được giám sát chặt chẽ.
Gần đây, Bộ Y tế đã tập trung phát triển mạnh hệ thống chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế như nhiệm vụ trọng tâm đã được cả xã hội quan tâm và ủng hộ. Những bước đột phá trong kế hoạch cụ thể qua việc khắc phục tình trạng quá tải ở các bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến tỉnh được dư luận đồng tình như nâng cao năng lực của trạm y tế xã, hoàn thành xây dựng bệnh viện tuyến huyện, nâng cấp bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến Trung ương bên cạnh việc xây dựng thêm một số bệnh viện chuyên khoa có trình độ cao tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cùng hệ thống bệnh viện vệ tinh thành một cơ sở khám, chữa bệnh có chất lượng trong khu vực để giảm bớt khó khăn cho dân.
Trong bối cảnh kinh tế thị trường, y tế cũng là một dịch vụ dù là dịch vụ đặc biệt và chính sách y tế đã linh hoạt đổi mới cơ chế hoạt động, nhất là cơ chế tài chính của các cơ sở y tế công lập theo hướng tự chủ, công khai, minh bạch bên cạnh việc hoàn thiện đồng bộ các chính sách bảo hiểm y tế, khám, chữa bệnh và viện phí phù hợp tiến tới lộ trình thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân. Bản thân bà Bộ trưởng cũng liên tục tới các cơ sở y tế để nắm thực tế, khi đi thăm chính thức, lúc “vi hành” để rồi trăn trở xây dựng những quy chuẩn chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng bệnh viện, từng bước tiếp cận với tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó là thái độ nhân viên y tế với bệnh nhân cũng là một chất lượng của công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đó là những nỗi trăn trở với tư cách công dân trong trái tim người thầy thuốc.
Chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân luôn có hai vế: trình độ chuyên môn của thầy thuốc và mức độ hài lòng của bệnh nhân. Trình độ chuyên môn luôn gắn với sự đầy đủ “vũ khí” là máy móc hiện đại và khả năng sử dụng, phát huy vũ khí. Mức độ hài lòng không hẳn chỉ là tai qua bệnh khỏi mà còn là thái độ của người phục vụ và khả năng tài chính của người được phục vụ trước mọi hạch toán thực tế của cơ sở y tế. Chất lượng này ngoài việc có được từ sự nỗ lực của đội ngũ thầy thuốc còn phụ thuộc rất nhiều vào sự quan tâm của toàn xã hội bởi chăm lo sức khỏe là sự nghiệp của toàn dân.
Y tế là hình ảnh để nhìn vào đó có thể biết được sức mạnh, sự văn minh của một quốc gia. Chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân là nội hàm của hình ảnh đó, là phẩm giá của đội ngũ thầy thuốc, của ngành y tế nhưng cũng là diện mạo của một đất nước để làm nên niềm kiêu hãnh dân tộc...
Ban de laptop shoptainha
Ban de laptop
Ban go de laptop
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét