Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2013

Những kỷ niệm đi cùng năm tháng (tiếp theo và hết)

 “Câu chuyện cuộc đời” của một cựu chiến binh 

  

 QĐND -  Cũng như ông Lâm, những kỷ niệm về những tháng ngày sống ở Trung Quốc như còn đọng mãi trong lòng ông Nguyễn Đắc Chín. Ở ông Chín có những điều đặc biệt khiến ông luôn nhớ về mảnh đất, con người Trung Quốc. Chỉ lên phần trán bị lõm lại, bắt đầu chuyện của mình, ông Chín cho biết: Trước khi nhập ngũ, ông là giáo viên cấp 2 ở Thủy Nguyên, Hải Phòng. Ngay sau khi nhập ngũ ông được điều vào tham gia Đoàn tàu không số vận chuyển hàng hóa chi viện chiến trường miền Nam. Trong 3 năm làm thủy thủ, ông Chín nhiều lần ra vào cảng Hậu Thủy (Trung Quốc) để thực hiện những chuyến công tác theo Đường Hồ Chí Minh trên biển. Đến năm 1966 ông bị thương ở đầu, vết thương rất nặng, khiến ông phải về Trung Quốc điều trị. “Lúc đầu tôi được đưa đến đảo Hải Nam, nhưng vết thương nặng quá, điều trị mãi không khỏi, lại sinh thêm bệnh phù thận nhiễm mỡ. Nguy cơ tử vong là rất cao. Các bác sĩ tại Hải Nam đã quyết định đưa tôi đến Quảng Châu bằng máy bay. Trong 3 năm ở bệnh viện đó, tôi đã có nhiều kỷ niệm, chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động về sự chăm sóc của các bác sĩ Trung Quốc dành cho tôi”, ông Chín nhớ lại.

Mặc dù bị thương vào đầu, nhưng ông Chín nhớ rất rõ: “Phải nói rằng, bác sĩ, y sĩ, hộ lý Trung Quốc chăm sóc cho tôi nhiệt tình như đối với người thân trong gia đình. Từ việc giúp thay quần áo, ăn uống, thuốc men. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ về Bệnh viện Hải quân Quảng Châu, nơi tôi nằm điều trị. Tôi không nhớ hết tên của họ vì lâu quá rồi, chỉ nhớ rõ có cô hộ lý và hai người phiên dịch tên Quân và Phong. Lúc ấy thuốc men ở đó cũng hạn chế, nhưng các bác sĩ thì đặc biệt nhiệt tình. Sang đó một thời gian, tôi cũng dần dần học được ít tiếng Trung thông qua y tá, bác sĩ. Tôi vẫn nói chuyện với họ hằng ngày bằng tiếng Trung. Thậm chí, tôi còn dịch một vở kịch Trung Quốc để gửi về đoàn tàu của mình. Sau này, khi bệnh đỡ hơn, bạn còn đưa tôi đi thăm mộ đồng chí Phạm Hồng Thái ở Quảng Châu, chụp ảnh kỷ niệm...”.

 Ông Nguyễn Đắc Chín kể về những tháng ngày sống ở Trung Quốc. Ảnh: Hoa Vinh. 

Ở bệnh viện lâu ngày, nhưng lúc nào ông Chín cũng nhớ tới nhiệm vụ của mình. “Khi nói chuyện với những người Trung Quốc, tôi luôn nói về niềm tin chiến thắng của Việt Nam; tôi đã khẳng định với các bạn Trung Quốc rằng, miền Nam chắc chắn sẽ được giải phóng. Các bạn Trung Quốc lúc đó rất khâm phục tinh thần chiến đấu, ý chí của những thủy thủ Việt Nam. Càng khâm phục, bạn lại càng chăm sóc chúng tôi tốt hơn”, ông Chín kể lại.

Nhắc tới kỷ niệm trong những năm tháng ở Trung Quốc, ông Chín không khỏi bồi hồi khi nhớ tới một bóng “áo trắng”, luôn theo sát giấc ngủ, bữa ăn của ông, khi ông còn nằm viện. “Lúc đó tôi đi lại rất khó khăn, có một cô y tá rất trẻ và xinh tên là Mẫn thường dìu tôi đi. Tình cảm thật lòng, săn sóc tôi từng ly từng tý. Vừa xa nhà, vừa có sự chăm sóc của một người như vậy, thực sự khiến tôi vô cùng cảm động. Ở bệnh viện đó, cũng có nhiều người Việt Nam điều trị, nhưng chủ yếu điều trị ngắn ngày sau đó lại về tàu. Chúng tôi được các bạn Trung Quốc dành cho một chế độ điều trị đặc biệt. Lúc bấy giờ đối với các bệnh nhân nặng người ta còn cõng đi tắm, đi cắt tóc. Bạn chăm sóc mình như những người ruột thịt trong nhà. Có nhiều người dân Trung Quốc, biết tôi không có người thân ở đây, còn tới nói chuyện động viên, mua cho tôi những món ăn ưa thích”.

Ngoài câu chuyện về những người bạn Trung Quốc, ông Chín kể lại một câu chuyện về riêng mình. Trong thời gian ở Hậu Thủy, bao nhiêu tiền phụ cấp ông không giữ đồng nào. Số tiền này được ông gom lại và gửi tặng toàn bộ cho đồng bào miền Nam.

 Mong một lần về thăm “nơi cũ” 

Tự cho mình may mắn hơn nhiều đồng đội khác khi ông trở về vẫn mạnh khỏe, người cựu chiến binh Đoàn tàu không số, Thượng úy Đỗ Xuân Tâm, nguyên Máy trưởng tàu 187 và Máy trưởng tàu 69 (tàu được tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân Việt Nam) cũng tỏ ra rất hào hứng khi kể lại kỷ niệm trong chuyến công tác đầu tiên tới Trung Quốc. Lúc đó ông trên cương vị thợ máy, cùng một tàu và ban chỉ huy đi khảo sát khu vực cảng Hậu Thủy. “Cảng này dành riêng cho Đoàn 125. Tôi được vinh dự đi tiền trạm. Chuyến đi ấy bạn tiếp đón long trọng, đúng nghi lễ quốc tế, sau đó còn mời cả đoàn lên chiêu đãi ở khách sạn. Tôi và khoảng 20 cán bộ chỉ huy, thủy thủ đến Hậu Thủy đúng dịp 1-5. Cũng như ở Việt Nam, Trung Quốc cũng long trọng kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động. Hôm đó, phía Trung Quốc đã mở tiệc, sau đó chiếu phim chiêu đãi...”, ông Tâm nhớ lại.

Cũng như nhiều thủy thủ khác của Đoàn tàu không số, ông Tâm không thể quên những ngày sống trên đất Trung Quốc, khi ông cùng đoàn tiền trạm lưu lại Hậu Thủy khoảng nửa tháng. “Sang bên Hậu Thủy, anh em chúng tôi không được tiếp xúc với người dân, không được nói tiếng Việt để giữ bí mật. Ở gần cảng chúng tôi thấy một số ngư dân, diêm dân đang làm việc trên những cánh đồng muối, hoặc bên bờ biển, thủy thủ chúng tôi chỉ dám gật đầu chào, không ai dám nói. Khi chúng tôi ở trong khu doanh trại tại Hậu Thủy, được phía bạn đón tiếp, chăm sóc rất chu đáo, ăn uống theo định lượng của họ, bữa nào cũng ăn gan lợn vì đi biển ăn gan lợn giúp sáng mắt. Sang đó được ăn vượt khung theo nhu cầu về sức khỏe. Mỗi khi ta chuẩn bị đi công tác, phía Trung Quốc nhiệt tình giúp đỡ, cung cấp cho mình thông tin về khí tượng thời tiết, tình hình hoạt động của địch. Khi mình đi bạn dùng tàu lai dắt, tiễn tàu ta đến hết biên giới nước bạn".

Tâm sự về tình cảm cá nhân mình, ông Tâm nhấn mạnh, những năm tháng ấy tin nhau lắm. “Năm nay tôi 71 tuổi rồi, lại đã tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tôi thấy thành công của cách mạng Việt Nam đã có một phần giúp đỡ quý báu của Nhà nước và nhân dân Trung Quốc cùng các nước bạn bè trên thế giới. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, bạn cũng giúp ta, từ đào tạo con người, nhu yếu phẩm cho tới trợ giúp một số vũ khí trang bị… Trong kháng chiến chống Mỹ, bạn cũng giúp ta rất nhiều. Tất cả sự giúp đỡ ấy, theo tôi đều xuất phát từ tình cảm chân thành. Những người như chúng tôi sẽ không bao giờ quên”.

Chia sẻ tình cảm của mình về tháng ngày sống, huấn luyện và công tác tại cảng Hậu Thủy, cựu chiến binh Trần Văn Hữu, Trưởng ban liên lạc Hội Truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển toàn quốc, cho biết: Cảng Hậu Thủy (A2) rất lớn, gồm có cầu cảng, bến bãi, nhà máy sửa tàu khép kín. Ngày xưa tàu của phía Việt Nam cứ 6 tháng lên “đốc” 1 lần rồi chia ra, bạn một bên, ta một bên để cạo hà. Hai bên làm chung, xen kẽ nhau, cứ 2 đến 3 tiếng là xong một con tàu.

Lúc ấy, tinh thần khí thế của cả phía Việt Nam và Trung Quốc đều rất hăng hái. Các loại tàu bạn giúp mình đều là các loại tàu rất tốt. Nhớ lại kỷ niệm về việc Thuyền trưởng Vũ Tấn Ích (hiện đang phụ trách Chi hội Cựu chiến binh Tàu không số ở Đà Nẵng), người hai lần đã gặp nạn và được phía Trung Quốc giúp đỡ, ông Hữu kể lại: Một lần ông Ích vừa từ miền Nam ra, vì tàu không còn hàng, gió thổi mạnh nên bị trôi dạt. Sau đó ông Ích gọi điện cho phía bạn từ cảng Hậu Thủy ra, bạn đã nhanh chóng cử tàu ra cứu hộ. Chuyến thứ hai chở hàng tàu cũng bị dạt vào một bãi cạn, không quản khó khăn, phía bạn cũng ngay lập tức ra sơ tán hàng. “Khi ấy, mình yêu cầu gì là bạn giúp đó, từ tàu bè, bến cảng đến hậu cần, kỹ thuật và các tình huống khó khăn. Có thể nói lúc đó, bạn rất ưu ái Đoàn tàu không số”, ông Hữu nói.

Trên cương vị Trưởng ban liên lạc Hội Truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển toàn quốc, ông Hữu vẫn còn những trăn trở. Ông cho biết, hiện tại thi thoảng ông vẫn liên lạc với ông Hoàng Nguyên (Báo QĐND đã có bài viết về ông Hoàng Nguyên), phiên dịch phía Trung Quốc, nhất là khi ông Nguyên có dịp trở lại Việt Nam làm tư vấn cho một số doanh nghiệp. Hai ông thường xuyên trao đổi thông tin, chia sẻ những câu chuyện, kỷ niệm từ thời kháng chiến chống Mỹ. “Chúng tôi thường nói với ông Nguyên là các cựu chiến binh Đoàn tàu không số muốn sang thăm các đồng chí bên Trung Quốc, nhờ anh tìm cho một số nhân chứng như các đồng chí lãnh đạo, bến bãi bên Hậu Thủy. Cựu chiến binh Đoàn tàu không số mong muốn một lần quay lại thăm cơ sở cũ, những con người đã từng giúp đỡ, gắn bó với mình, và quan trọng hơn, để cảm ơn sự giúp đỡ, sự chia sẻ của những người bạn Trung Quốc”…

------------

 Những điều không thể quên trên đất bạn (Kỳ 1)  

 NGUYỄN HÒA - ANH VŨ 


tui dung laptop shoptainha

 tui dung laptop gia re 

Nguồn: www.qdnd.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét